Tà Áo Hương Bay

“Ê, mấy bữa nữa lên Trúc Lâm đảnh lễ Hòa Thượng đó, ông chửn bị đồ đạc chưa dậy?” Tôi hỏi lại “Đồ dì?” “Ủa, ngộ hông. Ông tính lên đảnh lễ Thầy dưới mấy bộ đồ nầy đây hả?”

Tôi nhìn lại. Ừ, mà kỳ thiệt. Tôi nói không suy nghĩ. “Ừa – Thì ông đưa tui đi mua dải may áo dài đi” Tôi và ổng đèo nhau trên chiếc Honda của đứa con, chạy ra chợ Long Xuyên. Lựa tới, lựa lui, ổng trả giá qua lại, tôi nghe mấy bà bán hàng nói: “Dợ ông mô đen dậây mà ông trả dá quá trời!”

Sau rốt, chúng tôi tới một gian hàng có quen biết với ổng. Lựa hoài, tôi nói với ổng “Lên đảnh lễ Thầy mà mặc áo màu tím coi kỳ. Thôi mua màu dàng đi” Ổng gật đầu: “Ừa, áo màu dàng anh về yêu qua Cúc hén”. Mô Phật. Cuối cùng thì tôi cũng có một bộ đồ ác liệt. Nè, áo dài bằng lụa gấm màu vàng, có cái quần satin trắng, láng bóng. Mặc vào, coi cũng không đến nỗi tệ – mà còn đẹp cho tôi, tôi có thể “diện đi ăn đám cưới cũng le ác luôn nhe”tôi nói thầm một mình.Tôi bước từng bước lên bậc thang dẫn đến Chánh điện của Thiền viện Trúc Lâm. Sáng nay, để cho thật chu đáo, theo đúng thủ tục của tôi hồi giờ, tôi thức dậy sớm tắm rửa và nhất là: TRANG ĐIỂM THẬT KỸ CÀNG!!!! Từ mái tóc nhuộm hiliga cho tới cặp chân mày được kẽ công phu, nhất là màu son, màu mắt phải thật hợp với màu áo. Tôi mang đôi giày thật cao. Tôi nói thầm “mặc áo dài mà mang giày thấp là dở ẹt nhen, coi chừng mất điểm à, cẩn thận, cẩn thận”

Đà Lạt mát rượi, mặt hồ xanh in thẳm bóng trời, sương mờ giăng giăng. Tôi ghé lại băng đá, chụp vài tấm kỹ niệm ”Dù gì thì cũng lần đầu được tới Trúc Lâm chớ, đâu có phải chiện thường thường”

Bước vào nhà Khách, tôi được Thầy Thông Triết dẫn vào thỉnh an Hòa Thượng. Sau khi đảnh lễ, Thầy hỏi han vài điều và tới phần quan trọng nhất:

Tôi – người Vĩnh Long – xin Thầy cho vào Ni viện học tu.

Thầy nhìn tôi, từ bi hỏi: “Ừ! Con định vào mấy tuần?” Trời đất, trống ngực tôi đánh lung tung ben. “Chiến nầy là chết chắc” tôi khàn tiếng trình lên Thầy.

“Bạch Thầy, con xin ở tới... ba bữa lận”. Thầy cười (tại sao cứ mỗi lần Thầy cười, là tôi thấy Thầy tôi càng từ bi, càng thoải mái hơn. Ở chỗ nầy, xin hỏi: tôi có đồng minh không?)

“Ừ, thôi con ở ba hôm hén”. Đoạn Thầy gọi Thầy Thị giả: “Bảo Thông Triết đưa nó vào, giao cho Hạnh Diệu”

Tôi lạy tạ Thầy, theo chân Thầy Thị giả ra ngoài.

Tôi đang ngồi ở nhà Khách Ni viện Trúc Lâm – nhớ cho kỹ dùm nhen – Ni viện Trúc Lâm, tôi tự thấy mình oai ơi là oai.

“Cô đợi chút, Sư Phó bận việc. Sư Phó sẽ gặp Cô khoảng mười lăm phút nữa nhen”, cô Tri Khách báo tin. Tôi dạ nhỏ, ngồi im nhìn ra ngoài cửa sổ. Tôi hít thở thật sâu lấy lại bình tĩnh và cố ôn lại bài học ngồi thiền.

“Nè nhe, thở ra, hít do, nhìn xuống khoảng ba gang tay thôi nhe. Nhìn xa là rớt à”. Trước khi về Việt Nam tôi đã được Từ Tâm Hiền ôn bài kỹ lưỡng lắm.

“Nhớ đừng ca hát lung tung nhen. Tui sợ bà dô đó mà còn hò hát quá đi”

Thời gian đi lặng lẽ. Ở đây im vắng cho tới nỗi con muỗi bay cũng nghe tiếng cánh đập chớ chẳng không. Tôi chờ đợi, hồi hộp tưởng tượng về một Sư Phó già hom hem, đầu và cổ quấn kín mít bằng cái khăn len dầy cộm, cho tới khi...

Tôi chợt nhìn thấy hai vạt áo màu lam. Trời đất, Sư Phó nầy bộ ốm lắm sao mà đi nhẹ hều hà. Tôi ngước nhìn lên, một khuôn mặt rất trẻ, dáng người thanh thoát, mảnh mai và đôi mắt – đôi mắt mới trong sáng làm sao!! Cô cười nụ cười của:

“Thiền Ni ngồi đọc sách
Lời kinh xóa bụi hồng
Trang kinh chiều mở rộng
Bát ngát nỗi niềm không”

Cô ngồi xuống, nhẹ nhàng hỏi thăm:

- Cô tập ngồi thiền chưa?

- Dạ, có chớ! Tôi trả lời.

- Ở đây, chúng em ngồi thiền ngày ba buổi, mỗi buổi hai tiếng đồng hồ.

- Bạch Sư phó, con rán. Chiến nầy chết thiệt nhen, tôi nói thầm.

Cô cười, vẫn nụ cười không gợn chút bụi.

- Cô ngồi, em coi thử. Nếu có sai, em sửa lại cho cô.

Tôi bắt chân, ngồi ngay ngắn.

- Sao cô nhắm mắt vậy ? Em nghĩ, mở hé mắt dễ tập trung hơn. Vả lại, nếu nhắm mắt, mình dễ bị hôn trầm lắm.

- Thưa Sư phó, con mở mắt, con sợ. Từ Tâm Hiền nói với con, mình ngồi thiền mà mở mắt có khi thấy ma nó tới nó ngồi trước mặt, nó xin mình tu để độ cho nó đó.

Lần nầy thì Cô cười thành tiếng.

- Cô ơi, nếu mình ngồi thiền, mà ma nó tới, nó xin mình tu đặng cứu nó, là tu cở như Hòa Thượng kìa, chớ như mình bây giờ thì không có đâu!!

Tôi mừng quýnh (ừa – mà hồi giờ tôi cũng nghi nghi như dậy chớ – tôi nói thầm)

- Bạch Sư Phó, dậy là con mở mắt hí hí hén! Cô cười.

“Cô mới vào, chắc ra nắng chưa quen, tụi em để cô lặt rau nghen”, một Ni cô còn trẻ, mảnh dẻ nói. Tôi dạ. Cô dẫn tôi ra sau nhà Trù, ở một góc nhà. Cô chỉ cho tôi một đống rau muống bự ơi là bự. Tôi ngao ngán ngồi xuống lẩm bẩm: “Tưởng là một rổ, ai dè tới một thúng lận” Cô lại cười: “Dạ ở đây, chúng bảy tám chục người cô ơi. Một rổ làm sao cho đủ ăn”. Tôi nghĩ thầm: “Kệ, lặt hoài thì cũng phải hết thôi!” Và tôi xắn tay áo bắt đầu. “Cô ơi, khi sắp rau vào thúng phải sắp thế nầy nhé!”. Tôi nhìn theo tay cô ni trẻ. “Gốc ở đằng gốc, ngọn ở đằng ngọn và xếp vào cho có hàng với nhau” Tôi buồn bã sắp lại đống rau.

Nhìn ra sân, hằng bao nhiêu dáng áo nâu, tới lui giữa những khoảng vườn đằng xa – lam lũ – bùn đất vương đầy trên áo. Màu bùn bạc thếch trên khoảng áo đậm màu, in rõ trên nền xanh cây lá, tôi ngán ngẩm, nói một mình: “Mỗi ngày phải thay phiên đào xới, trồng trọt như dậy, thôi để hổng thẳng đi, khi nào Thiền diện có đủ máy móc làm hết thì hãy xin vào tu, chẳng muộn màng chi đó”.

Buổi chiều lên thiền đường, tôi ôm bồ đoàn, tọa cụ với tất cả lòng ân hận. Tôi đi lếch thếch, ngao ngán nghĩ tới hai tiếng đồng hồ mà tôi biết chắc sẽ dài hơn cả hai thế kỷ đang trải dài chờ đợi. Tôi bước thấp, bước cao vào thiền đường, thì bà cụ đi phía trước tôi, quay lại bà nói: “Cô ơi – bước vào phải để dép như thế nầy, phải ngang nhau, không được chiếc cao chiếc thấp, phải để ý một chút, rồi sẽ quen dần”. Tôi nhìn lại, thì ra ở trong lớp dép ngay ngắn, nghiêm chỉnh chỉ có đôi dép của tôi, cái chạy lên nằm vênh váo. Trên kia, cái rớt lại mãi ở bụi cây ... đằng gốc nọ.

Tôi đi vào thiền đường – đơn sơ – nhưng thấm đượm thiêng liêng làm lòng tôi trong trẻo lại.

Tôi nhìn về đàng kia – Sư Phó đứng im – hai vạt áo màu lam thẳng xuống – hai tay Cô đan vào nhau. Cô đứng trước khung cửa sổ, mắt nhìn ra khoảng sân trước mặt – từ hai vạt áo màu khói lam kia thoảng có hương trầm.

Tôi chợt nhớ tới lời Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài bảo: “Trầm ở ngoài là trầm của cây khác”

Hồi chuông nhẹ báo giờ thỉnh kinh chiều đã tới. Tôi chấp tay lại, lòng tự thấy trong lòng.

Thấp nén trầm hương – ba nghiệp lẫy lừng bay đi mất
Thỉnh hồi chuông nhẹ – cõi lòng rộng mở sạch vô minh

Người VĨNH LONG
Về một ngày đã xa.

Từ Tâm Trí


· Viết theo âm đọc địa phương.