Đốt Nén Tâm Hương

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về quê Mẹ ruột đau chín chiều”. Đó là hình ảnh khúc nôi của đứa con xa luôn hướng về quê hương, nơi đó có bà mẹ già não nuột trông con.

Bên dòng sông Long Hồ xanh xanh sóng biếc, con đã ra đời và lớn lên trong vòng tay êm ấm chắt chiu của ba mẹ. Ngày ba mất, con tưởng mình đang chơi vơi chết ngột trong biển vô thường, mọi lý tưởng, ước mơ tuột khỏi tầm tay của đứa trẻ mười lăm. Trong tâm trạng hụt hẫng bơ vơ, con tự thầm nghiệm lý vô thường huyễn ảo và đó cũng là nhân lành sau nầy đưa con về trước cổng Chơn Không, tắm mình trong biển pháp vô biên của vị ân sư khả kính.

“Xuất gia”, một động lực từ trong sâu thẳm tiềm thức, luôn thôi thúc trỗi dậy. Và một sớm mai hồng con đã khăn gói ra đi, bỏ lại sau lưng niềm kỳ vọng của bao người thân, trong đó là nỗi đau canh cánh của bà mẹ già hết lòng tận tụy vì con.

Một năm, hai năm, ba, bốn, năm, rồi lại sáu ….. con vẫn một lòng quyết sáng đại pháp, tỏ ngộ chân tông mà quên đi nỗi nhớ thương dằn vặt trong lòng mẹ. Ngày trở về, con trẻ trưởng thành trong mỗi bước vươn lên, thì mẹ cũng đã mỏi mòn còm cõi ở tuổi lục tuần. Bửa cơm chay đạm bạc với tô canh điên điển, so đũa, mà sao hương vị ngọt ngào thấm đậm. “Mẹ già như chuối Ba Hương, như xôi nếp một, như đường mía lau.” Ngọt làm sao tình mẹ thương con, cao làm sao mây từ vời vợi, sâu làm sao nghĩa cả không đáy!

Từ ngày con ra đi, mẹ đã thay đổi nhiều trong cách nhìn nếp nghĩ. Lòng thương yêu trìu mến ngày xưa mẹ dành cho con, giờ đây mẹ trao cho những người nghèo khó neo đơn. Một bát cơm, một manh áo cho người trong lúc hoạn nạn đói cơm thiếu áo, thật ấm tình làng, nghĩa xóm. Mỗi khi nhớ con, mẹ đứng tực ngõ ngóng trông: có người hỏi mẹ sao con đi lâu không về, mẹ nuốt lệ nghẹn ngào “Để cho Cổ tu, về làm gì!”. Khi con về thấy nhà vắng vẻ, anh chị em mỗi người một hướng đi, bà con lối xóm khuyên con nên về với mẹ, mẹ vẫn khăng khăng một mực: “Người xuất gia thì phải ở chùa, việc nhà đã có mấy đứa kia lo!” Thấy con tu có niềm vui, mẹ vẫn âm thầm chia xẻ niềm phúc lạc đó. Cho con đi tu rồi mà mẹ cứ thầm lo sợ, không biết con mình có kham nổi nếp sống khắc khổ trong Thiền môn, có đi đến nơi về đến chốn không? Chỉ sợ đạo nghiệp không thành, uổng phí một đời. Mẹ ơi! Người tu sĩ của chúng con giống như các sinh vật sống nơi hoang mạc, muốn tự sinh tồn, nó phải có những thay đổi mới để thích ứng với điều kiện khắc nghiệt của sa mạc. Mẹ yên tâm, con của mẹ sẽ lớn mạnh như sư tử - chúa tể sơn lâm. Con sẽ sống một ngày qua là một ngày ích đời, lợi đạo. Cũng như những con trùn đất, sống dưới đất âm thầm cải thiện ngôi nhà của nó, biến đất xấu thành đất tốt, biến rác rưởi thành phân bón, (mặc dù không ai quan tâm đến nó nhưng nó vẫn là những con vật có ích) trực tiếp dưỡng nuôi thực vật và gián tiếp đem lại sự sống cho con người. Vì nguồn sống con người vẫn phải tùy thuộc vào cây cối hoa màu. Ôi! Mẹ của con, người hộ pháp chân thành. Thân già vò võ một mình mẹ vẫn gạt bỏ niềm đau riêng, cho con làm tròn hoài bão một đời. Con không dám sánh mình với Tổ Động Sơn Lương Giới nhưng tấm lòng của mẹ đâu thua gì thân mẫu của Ngài. Cảm niệm ơn đức của mẹ, lòng con luôn hướng về người, mong cho mẹ “bách niên giai lão” để con có ngày đền đáp ân tình.

Cha mất sớm, mẹ tháng ngày chèo chống nuôi con, chăm lo phân bón tưới tẩm, bắt sâu bọ trên vườn rau liếp cải của họ. Nuôi con là chức năng của người mẹ, nhưng chỉ có những bà từ mẫu mới có tấm lòng tận tụy thương yêu, nung đúc dưỡng nuôi và tác thành cho con. Dưới mắt con, mẹ đẹp tinh khôi như hoa đồng nội, không cần chăm sóc điểm tô mà vẫn thanh khiết mặn mà. Ngày mẹ nằm sâu dưới lòng đất, con cũng chưa có cơ hội đền đáp thâm ân. Lúc cuối đời, mẹ luôn tha thiết được sống bên con, lòng luôn hướng vọng đến đời tu thánh thiện.

Như lời chư Phật dạy “một đứa con đắc đạo, cửu huyền thất tổ đều được siêu thăng”. Con nay tuy chưa được như Mục Liên độ mẹ, nhưng con tin rằng với tấm lòng cao cả của mẹ và nhờ từ lực Tam Bảo, mẹ của con đang vui chơi nơi miền tịch lặng - Được như vậy con cũng đã phần nào đền đáp công ơn sinh thành cúc dục của nhị thân.

Nhiều người đã trách con sao đi tu bỏ mẹ “Phật trong nhà không thờ, đi thờ Phật Thích Ca ngoài đường”. Con lặng lẽ cúi đầu. Có quá đáng không trong câu nói nầy? Mẹ ơi! Con vẫn biết làm con “hiếu hạnh vi tiên”, có tình nào thâm sâu hơn tình mẫu tử, nhưng còn một cái cao siêu hơn, vượt ngoài cảnh giới phàm tình, nơi đó không còn thương ghét hận thù, không còn phân chia ta người, phàm thánh. Đó là Phật địa bình đẳng trong mẹ, trong con và trong tất cả chúng sanh. Xuất gia không phải vì muốn tránh xa trần thế, quên bỏ gia nghiệp, mà chính là cất bước vượt đến phương trời cao rộng, tỏ ngộ nguồn chơn, đưa người thoát khỏi lưới mê, để đền đáp bốn ân. Gẫm lại mẹ cha cho con thân xác thịt nầy, nhưng ngày tháng như nước chảy, giàu sang tợ mây trôi, vô thường không hẹn cùng ai, một mai chết đi thân nầy như khúc gỗ mục trả về cát bụi. Còn thần thức sẽ đi về đâu? Lênh đênh trong biển nghiệp thọ sinh. Mẹ mẹ con con, quanh đi quẩn lại trong vòng luân hồi không ngày ra khỏi. Chi bằng nhất đao đại đoạn (một đao cắt đứt), một lần đứt ruột thương tâm, nhưng mãi mãi thoát khổ sinh tử trói buộc.

Xưa đức Phật cũng vì nỗi thống khổ của kiếp người mà thoát ly tầm đạo cứu muôn sinh. Sau năm năm lang thang học đạo, sáu năm khổ hạnh dưới rừng già mà cũng chưa tìm ra đạo giải thoát. Nỗi niềm cưu mang vẫn còn canh cánh, Ngài đã nhận ra sai lầm trong việc hành thân hoại thể, khổ sở mà không ích gì, nên đã nhận bát sữa của nàng Mục nữ. Uống xong bát sữa, Ngài xuống tắm gội nơi dòng sông Ni Liên Thiền, rồi đến ngồi dưới cội cây Tất Bát La (Pippala) với lời thệ nguyện: “Nếu không chứng đạo bồ đề thì dù thân nầy có nát, ta cũng quyết không đứng dậy. “Đến nửa đêm bốn chín, giữa lúc sao mai vừa mọc, Ngài liền phát minh đại sự, chứng quả vô thượng bồ đề. Sau khi thành bậc chánh đẳng chánh giác, gót chân của Ngài đã dạo khắp nơi, tùy duyên hóa độ. Từ nước Barànaisi cho đến Magadha, Kosala … Trên con đường hoằng truyền đạo bất tử, từ vua quan sĩ thứ, cho đến hàng tiện dân nô lệ (Sùdra) cũng đều thấm nhuần ơn pháp nhũ. Rồi một ngày kia, đức Phật đã trở về thành Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ) độ thân quyến mẹ cha. Đức Vua Tịnh Phạn và một số người trong hoàng tộc đã chứng được Sơ quả Tu đà hoàn trong lần trở về nầy. Về sau, khi vua cha sắp băng hà, đức Phật lại một lần nữa giúp ông chứng được thánh quả A Na Hàm, vĩnh viễn thoát khổ luân hồi. Sau nầy, Ma Ha Ba Xà Ba Đề xin xuất gia, đức Phật bao phen từ chối vì những lý do bất tiện cho Ni giới, Ngài A Nan nhắc lại công lao dưỡng nuôi của Di mẫu, Phật khẳng định: “Ta vì nhớ ơn Di mẫu nên đã giúp cho bà thọ tam quy ngũ giới cũng đủ trả ơn rồi. “Từ nỗi đau thương mất mát nho nhỏ của ngày ra đi, biến đổi thành quả an lạc cao quý hiện tại cho mình và chia xẻ cho muôn loài; và ngọn đuốc tuệ ấy đã chiếu sáng khắp thế gian, trải dài hơn hai ngàn năm lịch sử. Công đức mở sáng mắt tâm, vĩnh thoát tam đồ so với ơn sanh thành dưỡng dục, chẳng lớn lắm ư?

Sau đức Phật, tiếp nối là các vị Tổ, trong đó có Lục Tổ Huệ Năng. Cha mất sớm, nhà nghèo phải gánh củi ra chợ bán. Khi ấy nghe một người khách tụng kinh Kim Cang, tâm liền khai ngộ. Nhờ người khách cho tiền, Ngài lo an trí mẹ già, rồi tìm đến Hoàng Mai học đạo. Về sau, được truyền y bát, nối truyền Phật Tổ Tâm Tông. Một đóa hoa bừng nở, dòng Thiền Tào Khê chảy mãi không cùng…

Mẹ ơi! Ngày xưa mẹ đã từng hát ru “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi…” Hôm nay, con lặng lẽ về bên mộ mẹ, chân thành đốt nén tâm hương dâng lên bài ca bất tận, đó là chỗ không lời nhưng giọt thầm vi diệu, thánh thót trên ngọn cỏ ngàn cây và chảy vào hồn người bất diệt.

Thiền Sinh Ni Cỏ Nội